Chương trình nghệ thuật “Ngọn đuốc soi đường” Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Tối 28/8, tại Nhà hát thành phố đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Ngọn đuốc soi đường” - Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Tới dự chương trình có các đồng chí: Phạm Xuân Thanh - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố; Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thành phố.
Các đại biểu dự Chương trình nghệ thuật.
Ra đời trong bối cảnh đất nước, dân tộc chưa giành được độc lập, tự do, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã xác định yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đường, soi sáng, định hướng con đường phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Vì vậy, bản Đề cương là một văn kiện quan trọng của Đảng ta, chứa đựng những giá trị nổi bật, mang tính định hướng sâu sắc, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn phát triển mới.
Trong bối cảnh thực dân, phát-xít lợi dụng mọi chiêu bài, thủ đoạn thâm độc để ru ngủ người dân An Nam bằng rượu cồn và thuốc phiện; ra sức thực hiện chính sách ngu dân, truyền bá tư tưởng phản động, mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa…, một số văn sĩ, trí thức đã “bẻ cong ngòi bút” hoặc tỏ ra dửng dưng, thờ ơ trước thời cuộc, tự thu mình, tâm lý đầy hoang mang, dao động. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2-1943) đã xác định, phải kịp thời có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh bức thiết ấy, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời là một sự kiện chính trị quan trọng. Sự ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” có ý nghĩa to lớn, là ngọn đuốc soi đường và định hướng về tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nền tảng ban đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới. Đề cương được coi là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị to lớn về nhiều mặt đối với việc định hình, định hướng tư duy lý luận của Đảng về văn hóa nói riêng và đối với tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung trong suốt 80 năm qua.
Chương trình “Ngọn đuốc soi đường” được thực hiện với mong muốn lan toả dấu ấn, giá trị lịch sử của bản Đề cương văn hóa thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Chương trình gồm 3 chương: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” và “Hải Phòng – Tương lai rạng rỡ”. Mở đầu chương trình nghệ thuật là ca khúc “Văn hoá trường tồn cùng dân tộc”, tiếp đến là các ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Kể chuyện người cộng sản”, “Ngọn đuốc soi đường”, “19/8”, “Làng tôi”, “Lửa Cát Bi”, “Bài ca Điện Biên”, “Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta”, “Tình Yêu Hải Phòng”, “Thành phố em”, “Đón bình minh”,… khép lại chương trình là liên khúc “Bài ca Văn hoá Việt Nam – Tỏa sáng miền cửa biển”.
Các tiết mục được dàn dựng công phu.
Các tiết mục được dàn dựng công phu, âm thanh, ánh sáng huyền ảo với tiết tấu chủ yếu nhanh, sôi nổi bừng khí thế. Lời bình cùng hình ảnh minh họa được thực hiện góp phần giới thiệu rõ nét về hoàn cảnh ra đời cùng những tác động to lớn và lâu dài của Đề cương văn hóa năm 1943 với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc và đặc biệt đối với sự phát triển của thành phố cảng Hải Phòng.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thành phố dự Chương trình.
Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo nội dung của Thành ủy – HĐND – UBND thành phố; chỉ đạo thực hiện Sở Văn hóa và Thể thao; đơn vị thực hiện Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng; Kịch bản và Đạo diễn NSƯT Khánh Toàn – NSƯT Trung Hiếu; Chỉ đạo nghệ thuật Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Đinh Thị Bích Liên; với sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ nổi tiếng: NSƯT Mai Hoa, NSƯT Nhật Thuận, Tân Nhàn, Hà Cương, Duy Đức, Đoan Trang, Khánh Ngọc…cùng tập thể nghệ sỹ, diễn viên đến từ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng, Đoàn Ca Múa Hải Phòng, Đoàn Văn công Quân khu 3 và Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ đã tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt chặng đường 80 năm qua. Chương trình đã góp phần làm nổi bật, khẳng định giá trị, vai trò của Đề cương về văn hóa. Đồng thời phản ánh những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của thành phố là dịp để các cấp các ngành, những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nhìn lại để tiến xa hơn, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế" mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
- Minh Phương -