Hội đồng nghệ thuật thành phố thẩm định vở kịch nói “Mùa hè ở biển” Chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng tháng 5/2022
Hội đồng nghệ thuật thành phố thẩm định vở kịch nói “Mùa hè ở biển”
Chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng tháng 5/2022
Chiều 29/3/2022, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, Hội đồng Nghệ thuật thành phố tổ chức thẩm định vở kịch nói “Mùa hè ở biển” - Chương trình thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng.
Vở kịch nói được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, chỉ đạo thực hiện Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, tác giả Xuân Trình, đạo diễn NSƯT Lê Dũng, họa sĩ Ngô Thắng, biên tập âm nhạc Châu Quang, âm thanh Quyết Thắng, ánh sáng Việt Tuấn, chỉ huy đêm diễn nghệ sĩ Minh Tuấn, chỉ đạo nghệ thuật - Trưởng đoàn Đoàn Kịch nói - NSƯT Phùng Lệ Thu, cùng tập thể nghệ sĩ diễn viên các đơn vị: Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thành phố tham gia biểu diễn.

Nội dung của vở “Mùa hè ở biển” là tại một địa phương, Đảng ủy và Ban Chủ nhiệm hợp tác xã cho khoán chui (tức là khoán đến từng hộ nông dân). Làm cách này, năng suất lúa, mầu tăng, chăn nuôi phát triển mạnh. Vì vậy dân no ấm, đóng thuế đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Nhưng một số đồng chí lãnh đạo cấp trên còn mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, cách nhìn hạn hẹp, hiểu chủ nghĩa xã hội theo một chiều, cho khoán hộ là khôi phục cách làm ăn tư hữu cá thể trái với xã hội chủ nghĩa. Ở địa phương này có ông Đoàn Xoa công tác ở cơ quan Trung ương. Vì vậy lãnh đạo xã, bà con xã viên, ngay cả gia đình vợ con ông cũng rất sợ và phải giấu giếm mỗi khi ông về thăm quê. Nếu ai để lộ ra thì chết cả nút (nghĩa là dân sẽ đói). Lần này ông Đoàn Xoa về thăm nhà, thăm quê, ông ngạc nhiên thấy những đổi thay của làng xóm, xem chừng khá giả hơn xưa. Ngay gia đình ông thấy vợ con sắm sửa thêm nhiều tiện nghi. Ông tò mò hé cửa buồng thấy cót thóc cao ngất ông bỗng giật mình. Làm gì mà lắm thóc thế? Hay là ở đây lại có hiện tượng khoán chui không chừng! Ông cuống cuồng tìm gặp lãnh đạo xã hỏi cho ra việc này. Ông điện lên Huyện ủy, lên Trung ương để báo cáo hiện tượng lạ lùng ở quê ông. Cô Mai con gái đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có nơi nào dòm ngó tới, có anh Quân thuyền trưởng Hàng hải tỏ lòng yêu thương cô chẳng dám nhận lời, chỉ sợ bố cô không đồng ý, bởi vì sự sống khe khắt, nghiệt ngã của ông. Nhưng có bao giờ ông quan tâm đến. Trong khi vợ ông thì lo lắng sợ con gái bà ế chồng. Rồi ông không đồng ý cho Thông con trai út của ông ngày đêm đi “đàn đúm” với đám thanh niên nam nữ thậm chí ra bãi biển tắm nô đùa giữa nam và nữ. Ông muốn họ sống và sinh hoạt phải theo khuôn mẫu của ông, cái khuôn mẫu mà đến nay đã quá lạc hậu không phù hợp với quy luật phát triển. Trong khi đó cuộc sống xã hội đã có nhiều thay đổi mà ông không hề biết. Con người như ông thật đáng thương hại, lại đáng nực cười. Vở kịch phản ánh cuộc đối đầu giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cổ hủ, lạc hậu với cái mới, cái tiến bộ.

Xuân Trình là một trong những nhà viết kịch tài năng đã đóng góp xuất sắc cho nền sân khấu Cách mạng Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Những giá trị nhân học trong kịch của cố tác giả Xuân Trình đã mang đến cái nhìn tổng quan về kịch hiện đại Việt Nam là: tính chân thực phê phán và xây dựng con người xã hội mới, vì một nền sân khấu dân tộc và quốc tế. Kịch của Xuân Trình được bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực. Ông luôn luôn tự hào là tác giả có mặt ở khắp nơi “mũi nhọn” của cuộc sống từ nông thôn, thành thị, vùng sâu, vùng xa đến tuyến lửa khu IV, đường 9 Nam Lào, Đông Hà - Quảng Trị… Kịch Xuân Trình từ hiện thực, bằng hiện thực, vì cuộc sống hiện thực và theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Tại chương trình thẩm định, Hội đồng Nghệ thuật thành phố đóng góp ý kiến để ê-kíp thực hiện hoàn thiện vở diễn trước khi ghi hình, phát sóng phục vụ nhân dân thành phố vào tháng 5/2022.
- Minh Phương -